Biển Đông: Ý định khó đoán của Trung Quốc và những dấu hỏi quanh chính sách của Mỹ

Chính sách tái cân bằng tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang tăng cao (giữa Trung Quốc và các nước có liên quan - BTV). Trong khi ý định tương lai của Trung Quốc là rất khó đoán, việc nước này đi theo quá trình toàn cầu


Tiến sĩ Patrick M. Cronin là Cố vấn và Giám đốc Cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS). Bài tham luận được trình bày tại hội thảo “Quản lý Căng thăng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 tại Washington D.C, Mỹ. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang CSIS.
Infonet trích một phần bản dịch củaNghiên cứu Biển Đông. Tiêu đề do BTV đặt.
Một trụ cột quan trọng trong chính sách của Mỹ là trấn an các đồng minh và bạn bè về việc Mỹ sẽ không chỉ duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực mà còn tăng cường can dự toàn diện hơn vào các vấn đề ở đây. 

Mặc dù chính sách của Mỹ là tránh chọn đứng về một bên trong các tranh chấp chủ quyền, Mỹ đã trấn an Nhật Bản bằng cách công nhận quyền quản lý của nước này đối với Quần đảo Senkaku như được nêu trong Điều 5 của hiệp ước an ninh chung giữa hai nước. 

Kể cả thế, Washington vẫn tìm cách để duy trì một vài sự mập mờ mang tính chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng về việc giải quyết hoà bình các tranh chấp. Cũng giống như Nhật Bản, Philippin là một đồng minh hiệp ước của nước Mỹ, và hiệp ước an ninh chung cam kết sự hỗ trợ của Mỹ sẽ đáp trả trong trường hợp tàu Philippin bị tấn công. 

Tuy nhiên, những quan chức ở Manila đang tìm cách để xoá bỏ sự mập mờ chiến lược này và dành lấy một cam kết hỗ trợ giống như Điều 5 trong trường hợp có những căng thẳng leo thang với Trung Quốc. 

Tàu chiến Mỹ trên vịnh Subic - căn cứ hải quân cũ của Mỹ

Mong muốn của nước Mỹ khi không đưa cho các đồng minh một tờ “séc khống” mà thay vào đó là duy trì sự mập mờ chiến lược trong việc hỗ trợ đồng minh sẽ càng được củng cố thêm bởi những tai nạn không may kiểu như việc Cảnh sát biển Philippin làm chết ngư dân Đài Loan vào tháng 05/2013.

Đây là thời điểm đặc biệt khó khăn cho Mỹ để có thể hoàn toàn trấn an các đồng minh của mình khi nước này đang trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” về tài chính, trong lúc ngân sách quốc phòng dài hạn của Mỹ dường như cũng không hề rõ ràng. 

Dù sao đi nữa, xét về khía cạnh lịch sử, những đợt cắt giảm sau xung đột trong quá khứ đều dẫn tới việc cắt giảm ngân sách đối với tất cả các đơn vị, phát triển chậm lại và mua vào ít tài sản lớn hơn, và cắt giảm ngân sách hoạt động và bảo trì. 

Tuy vậy, quan chức Mỹ vẫn nhấn mạnh chính sách tái cân bằng của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cho dù bị cắt giảm ngân sách. Ví dụ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter đã nhắc lại cam kết của Chính quyền Obama về việc sẽ triển khai “60% năng lực hải quân… đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước năm 2020 – một dịch chuyển lớn và mang tính lịch sử.”

Chính sách tái cân bằng của Mỹ, tập trung chủ yếu vào việc tham gia thay vì thiết lập căn cứ mới, điều này đồng nghĩa với việc can thiệp về ngoại giao và thương mại cũng sẽ tương ứng với sự hiện diện về quân sự. 

Mặc dù vậy, các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ theo dõi ngân sách quốc phòng của nước này một cách rất sát sao. Điều đó còn phụ thuộc vào thời kỳ cắt giảm ngân sách và tương lai của nền kinh tế Mỹ, cũng như mức độ tham gia của quân đội nước này vào những cuộc khủng hoảng trong các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông.

Đối với Trung Quốc, chính sách tái cân bằng của Mỹ mang đến quá nhiều sự bảo đảm cho đồng minh, bằng cách thể hiện nước Mỹ có dự định duy trì sự vượt trội về quân sự trong thời điểm một nước Trung Quốc với sức mạnh đang tăng dần cũng muốn khẳng định một tầm ảnh hưởng lớn hơn với những quốc gia lân cận.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh với một tốc độ trên 10%/năm, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn là hiện đại hoá hải quân và thống trị thông tin. Vấn đề là ở chỗ quan hệ Trung – Mỹ không đạt được một mức độ cân bằng phù hợp. Những yếu tố đối đầu trong mối quan hệ này có thể sẽ làm lu mờ những yếu tố hợp tác khác, ví dụ như thương mại.

Câu trả lời cho những vấn đề này đã khá rõ ràng đối với một số chuyên gia, đặc biệt là những chuyên gia từ Mỹ và Đông Nam Á và bao gồm cả tác giả này: Trung Quốc nên áp dụng một chính sách khu vực thân thiện hơn (giống như đã làm trong một vài trường hợp trước đây); các nước cần cố gắng kiềm chế và thúc đẩy hợp tác; ASEAN cần có một chiến lược thực tế để thúc đẩy tiến trình thực hiện bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc; các nước phải lập những biện pháp xây dựng lòng tin quân sự để xây dựng một thói quen hợp tác và giảm thiểu sự mất lòng tin; Mỹ và Trung Quốc cần phải nắm lấy lợi ích của mình và theo đuổi một khuôn khổ hợp tác cơ bản cho quan hệ song phương nhằm ngăn chặn những căng thẳng có thể tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn của chuỗi hành động và phản ứng trong quan hệ giữa các cường quốc.

Hoàn toàn không có một câu trả lời nào cho những vấn đề ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lý do để có thể lạc quan, đặc biệt là khi hầu hết các bên liên quan đều tin rằng khả năng xảy ra chiến tranh là khá xa và việc quản lý tranh chấp là cần thiết. 

Về mặt kinh tế, những vùng biển này là khu vực trọng yếu đối với thương mại toàn cầu và là một nguồn tài nguyên thuỷ hải sản và năng lượng ngày càng trở nên quan trọng. 

Về mặt chính trị, hợp tác trong những vùng biển này là một phép thử cho sự hoà bình và thịnh vượng của một Châu Á đang trỗi dậy, bên cạnh đó, nó cũng là phép thử cho câu chuyện về một sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc. 

Về mặt chiến lược, như đã đề cập ngay từ đầu, Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là khu vực mà Trung Quốc sẽ sử dụng quân đội được hiện đại hoá của mình để thách thức trực tiếp với sự thống trị lâu đời kể từ sau chiến tranh của Mỹ. 

Nói cách khác, Biển Đông và Biển Hoa Đông là trung tâm cho tình hình an của Châu Á – Thái Bình Dương. Nguy cơ rất cao và đang ngày càng tăng lên ở những vùng biển này, và tất cả chính phủ phải ưu tiên cho việc chống chiến tranh, quản lý tranh chấp, dần dần xây dựng các thể chế và tăng cường hợp tác chung.

Trong công cuộc theo đuổi hoà bình, tất cả các quốc gia – không phải chỉ có nước Mỹ – sẽ cần có cả sự khôn ngoan và nghệ thuật quản lý nhà nước một cách khéo léo để giải quyết những thách thức phức tạp và chồng chéo này. 

Hình thành những chuẩn mực mới và các tổ chức hiệu quả sẽ cần rất nhiều thời gian. Trong khi ý định tương lai của Trung Quốc là rất khó đoán, việc nước này đi theo quá trình toàn cầu hoá sẽ tiếp tục phát triển. 

Chẳng hạn như ngày nay, họ vẫn chấp nhận toà trọng tài bên thứ ba trong các tranh chấp ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và do đó có tia hy vọng rằng trong tương lai nước này cũng sẽ làm như thế đối với những tranh chấp trên biển. 

Những giải pháp thông minh và dựa trên các luật lệ sẽ mang đến một thế giới công bằng và mang lại một sự bảo vệ như nhau cho cả các nước yếu cũng như các nước mạnh.

(Tiến sĩ Patrick M. Cronin/ Tuấn Việt (dịch)/ Minh Ngọc (hiệu đính)/ Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông.

Tin liên quan

Người phát ngôn

Họ và tên:  Thái Hoàng Vũ
Chức vụ:  Chủ tịch UBND huyện
Số điện thoại:  0905515717
Email:  vuth1@quangnam.gov.vn