Cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ khoảng 50km về phía tây, vùng sơn cước Trà My được người xưa lưu truyền là “Cao sơn ngọc quế”. Do sự kỳ thú của thiên nhiên và đặc điểm địa hình miền núi cao, Trà My xưa và nay đang nắm giữ 2 sản phẩm quý, có giá trị kinh tế và dược liệu cao là quế Trà My và sâm Ngọc Linh. Cũng nhờ vậy mà địa danh Trà My từ lâu đã được khắp nơi biết đến qua nhiều sách, báo, tạp chí… Sự ưu đãi của thiên nhiên còn tạo ra cho Nam Trà My, Bắc Trà My nhiều thắng cảnh hấp dẫn, say đắm lòng người như núi Hòn Bà sừng sững chìm trong mây trắng mỗi lúc bình minh; thác Năm Tầng nước tung trắng xóa như rót vào lòng người; đỉnh Ngọc Linh lạnh buốt, thẳng đứng chọc trời. Cạnh đó, sự hoang sơ, hiểm trở của địa hình đồi núi và tấm lòng kiên trung của đồng bào các dân tộc Trà My cũng đã được ghi vào sử sách.
Trong những năm kháng chiến, nơi đây luôn là chỗ dựa tin cậy và là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ và bộ đội để xây dựng hậu cứ đánh địch. Tiêu biểu là khu di tích Nước Oa (xã Trà Tân) đã được Khu ủy 5 chọn làm căn cứ đầu não của chiến trường Khu 5 và ngày nay được tôn tạo trở thành khu di tích cấp quốc gia. Bước đầu, khu di tích này có đến 4 tiểu khu di tích tập trung, gồm Khu tưởng niệm An ninh Khu 5, Bia tưởng niệm Dân y Khu 5, Khu tưởng niệm Nông dân Khu 5 và Khu di tích lịch sử văn hóa Nước Oa, được đầu tư xây dựng và tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Sắp tới, 2/4 tiểu khu sẽ được đầu tư mở rộng với quy mô lớn. Và quần thể khu dích này, trong 2 năm trở lại đây, mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách tìm về với cội nguồn cách mạng, tri ân đồng đội và nhiều đoàn viên thanh niên đến tìm hiểu, học tập truyền thống.
Đặc biệt, Trà My còn là nơi diễn ra trận thắng Mỹ vang dội tại đồn Trà Đốc của bộ đội ta cùng đồng bào các dân tộc Trà My vào rạng sáng ngày 27-3-1971, giải phóng hoàn toàn Trà My, báo hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Mỹ, ngụy tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Cũng chính tại mảnh đất anh hùng này, một nhà máy thủy điện lớn - thủy điện Sông Tranh 2 đang từng buớc hình thành. Ngược dòng sông Tranh về với Nam Trà My, tại khu vực thác Năm Tầng (Trà Mai), một công trình thủy điện nữa cũng sắp sửa được đầu tư xây dựng - thủy điện Sông Tranh 1. Hai công trình này ngoài việc cung cấp nguồn điện năng lớn cho quốc gia, còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Hơn nữa, Nhà nước cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng: đường Đông Trường Sơn huyền thoại nối liền giữa các huyện miền núi phía tây Quảng Nam, đường Nam Quảng Nam (Tam Thanh - Trà My - Kon Tum)… Khi những tuyến đường huyết mạch này hoàn thành, hành trình du lịch của Quảng Nam sẽ không chỉ dừng lại ở khu vực đồng bằng, trung du, mà Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu du lịch sinh thái Sông Tranh, quần thể di tích Nước Oa… ở vùng sơn cước Trà My sẽ là mắc xích quan trọng, là điểm đến lý tưởng của du khách nối liền tuyến du lịch vòng cung Quảng Nam từ miền xuôi lên miền ngược Trà My và trở về miền xuôi tại bãi biển Tam Thanh thơ mộng. Lúc đó, có lẽ sự phát triển kinh tế xã hội hai huyện Nam Trà My - Bắc Trà My sẽ không chỉ có sự đóng góp của những dự án, những công trình hiện đang được thực thi mà chắc chắn sẽ có sự đóng góp tích cực của ngành công nghiệp không khói - du lịch. Vấn đề còn lại là thời gian và kế sách đầu tư, khai thác của ngành du lịch và lãnh đạo hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My.