Chiến thắng Đồn xã Đốc - 50 năm lịch sử hào hùng

Đêm 27, rạng sáng ngày 28/3/1971, Tiểu đoàn 409 Đặc công Quân khu V cùng với đồng bào, nhân dân các dân tộc Trà My đã tiêu diệt gọn toàn bộ tiểu đoàn Mỹ tại cứ điểm Đồn xã Đốc, giải phóng hoàn toàn huyện Trà My.

          Đêm 27, rạng sáng ngày 28/3/1971, Tiểu đoàn 409 Đặc công Quân khu V cùng với đồng bào, nhân dân các dân tộc Trà My đã tiêu diệt gọn toàn bộ tiểu đoàn Mỹ tại cứ điểm Đồn xã Đốc, giải phóng hoàn toàn huyện Trà My. 

          Trang sử hào hùng

          Đồn xã Đốc nằm trên mõm đồi hình yên ngựa, giữa một vùng đồi núi hiểm trở, sát dòng sông Tranh về phía Tây Nam huyện Trà My cũ (nay thuộc xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My). Đây là một vị trí quan trọng trong hệ thống cứ điểm trực tiếp bảo vệ vòng ngoài Khu liên hợp quân sự của Mỹ, nguỵ ở Chu Lai. Địch xây dựng cứ điểm xã Đốc nhằm tạo thế đứng kiểm soát bịt kín các cửa ngõ từ vùng núi về các huyện đồng bằng nhằm triệt tiêu nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí từ miền xuôi lên và ngược lại. Đứng ở đây, địch còn có khả năng phát hiện và đánh ngăn chặn đối phương từ xa, bảo vệ sườn tây nam căn cứ quân sự khổng lồ Chu Lai.

          Lực lượng Mỹ chiếm đóng ở cứ điểm xã Đốc là Tiểu đoàn 1/46 Lữ đoàn 196 thuộc Sư đoàn A-mê-ri-can bao gồm: 01 sở chỉ huy tiểu đoàn, 01 sân bay lên thẳng, 01 trận địa pháo và hơn 02 đại đội bộ binh. Chúng bố phòng rất chặt chẽ cả về binh lực cũng như hoả lực. Với một hệ thống hầm ngầm, công sự vững chắc; hệ thống thông tin liên lạc hiện đại bậc nhất; hệ thống đèn chiếu sáng cực mạnh cùng với hệ thống hàng rào kiên cố đủ các loại mìn, pháo sáng, hào chống xe tăng, kẽm gai bao bọc xung quanh từ chân núi đến đỉnh đồi với ý đồ bẻ gãy các đợt tập kích của quân và dân ta khi tấn công vào Đồn xã Đốc.

          Ngoài trận địa hoả lực tại chỗ, địch còn bố trí 02 trận địa pháo 105 và 155 ở Phước Lâm và Tiên Phước sẵn sàng chi viện bảo vệ cứ điểm Đồn xã Đốc khi bị cách mạng tiến công. Trên không, có máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng vũ trang từ căn cứ Chu Lai sẵn sàng cất cánh chi viện bất kể ngày đêm. Với địa hình đồi núi hiểm trở lại có sông Tranh ngăn cách cùng với 01 đại đội biệt kích Mỹ cơ động đêm bảo vệ vành đai cứ điểm này và địch đóng ở trên cao có ưu thế quan sát cả một vùng rộng lớn về quân sự.

          Trước tình hình địch thường xuyên mở các đợt càn quét nhằm thu hẹp vùng giải phóng để mở rộng và kiểm soát. Quân khu V kiên quyết tiêu diệt cứ điểm Đồn xã Đốc để bảo vệ an toàn vùng căn cứ chiến lược và mở rộng vùng giải phóng Khu V. Tiểu đoàn 409 Đặc công Quân khu V được giao trách nhiệm tiêu diệt cứ điểm đồn xã Đốc.

Cứ điểm đồi Mun Luốk đổ nát sau cuộc tấn công của Quân Giải phóng. (Ảnh tư liệu)

          

          Để đảm bảo chiến thắng, trận đánh diễn ra nhanh gọn và tránh thương vong ở mức thấp nhất, quá trình chuẩn bị rất khẩn trương, đầy gian nan, vất vả suốt 8 tháng ròng rã để có một thao trường với cấu trúc đầy đủ hệ thống phòng thủ hoả lực, công sự, hàng rào giống như cứ điểm đồn xã Đốc được xây dựng ở hậu cứ để Tiểu đoàn ngày đêm luyện tập. Sau đó, cử lực lượng trinh sát đặc công có kinh nghiệm tìm mọi cách để thâm nhập vào Đồn xã Đốc để nắm thực địa và cách bố phòng của lính Mỹ. Ngày 18/3/1971 công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành.

          Đêm 27 rạng sáng ngày 28/3/1971, các lực lượng vũ trang của ta đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu sâu trong lòng địch ở cứ điểm xã Đốc. Bộ đội bí mật tiềm nhập khắc phục vật cản, luồn sâu, áp sát mục tiêu, bất ngờ, đồng loạt sử dụng B40, B41, bộc phá ống, thủ pháp, lựu đạn, tiểu liên tiến công trên nhiều hướng, nhiều mũi vào Sở chỉ huy, trung tâm thông tin, hầm ngầm, lô cốt, sân bay trực thăng, kho xăng dầu, kho đạn, nhà ở của sĩ quan, binh lính Mỹ.

          Sau 35 phút chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, Tiểu đoàn 409 đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 1/46 thuộc Lữ đoàn 198 Sư đoàn A-me-ri-can của Mỹ, san phẳng cứ điểm Đồn xã Đốc. Chúng để lại trên mỏm đồi yên ngựa 350 xác lính, ta thu gần 100 khẩu súng; phá huỷ 01 pháo 105 mm, 03 khẩu DDKZ75mm, 04 cối 106,7mm, 02 máy bay HU1A và nhiều loại vũ khí hiện đại khác. 

          Chiến thắng đồn xã Đốc là một chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 409 đặc công Quân khu V gắn liền với tinh thần cách mạng trong sáng, ý chí kiên trung của nhân dân các dân tộc Trà My nói chung và đồng bào xã Đốc, xã Pui, Tiên Trà nói riêng. Nếu Chiến thắng Núi Thành ngày 25/5/1965 là trận đầu diệt Mỹ trên chiến trường Khu V, thì Chiến thắng Đồn xã Đốc đã tiêu diệt gọn toàn bộ tiểu đoàn Mỹ cuối cùng trên chiến trường miền Nam, xóa sổ cứ điểm cuối cùng của Mỹ trên mảnh đất Trà My. Chiến thắng Đồn xã Đốc là cột mốc quan trọng tạo thế và lực vững chắc cho Trà My củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng. Đồng thời, tạo hành lang chiến lược quan trọng trong cuộc hành quân thần tốc của lực lượng cách mạng tiến về đồng bằng với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bia di tích Chiến thắng Đồn xã Đốc

          

          Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 320/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/01/2011 về công nhận Di tích địa điểm Chiến thắng xã Đốc (xã Trà Đốc) là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bắc Trà My đã tập trung các nguồn lực, đầu tư xây dựng Bia Di tích Chiến thắng Đồn xã Đốc với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 2.700 m2. Công trình được khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Trà My 28/10/2019.

            Hồi sinh và phát triển

           50 năm sau ngày giải phóng, huyện Bắc Trà My đã đạt được nhiều thành tựu phát triển vượt bậc, góp phần thay đổi diện mạo của một huyện miền núi. Từng là nơi bị bom Mỹ cày xới; hàng loạt cánh rừng nguyên sinh bị bom Napan và chất độc hoá học tàn phá trơ trụi. Sau chiến tranh, trên 80% dân số toàn huyện nằm trong diện đói, nghèo. Trên 90% dân số, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số bị mù chữ. Nay về Bắc Trà My, đi trên những con đường thảm nhựa, bê tông, nhìn ngắm các công trình điện, đường, trường, trạm trang khang, to đẹp. Nhà nhà được xây dựng kiên cố, đời sống của các tầng lớp Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện đạt trên 16,2%. Một số công trình đã tạo được điểm nhấn trong quá trình phát triển như: Quảng trường Văn hóa huyện, Sân vận động huyện, cầu bê tông sông Trường I qua xã Trà Sơn, Trung tâm hành chính huyện, chợ Bắc Trà My; làng du lịch cộng đồng tại thôn Cao Sơn (xã Trà Sơn) được đầu tư xây dựng và đón khách du lịch; có 03 xã đã về đích Nông thôn mới là Trà Dương, Trà Tân và Trà Đông. 

Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trần Công

            

            Trên mảnh đất từng là cứ điểm của Mỹ ngụy, nay đã được bao phủ bởi rừng Quế Trà My, hàng ngàn hecta keo và rừng cây gỗ lớn. Trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh II, các hộ dân đã đầu tư nuôi cá lồng bè với trên 200 lồng bè cá, mang lại giá trị thu nhập bình quân từ 100 - 150 triệu đồng/2vụ/năm/lồng bè. Nhà máy Thủy điện sông Tranh II đã sản xuất và cung cấp lên điện lưới quốc gia 5,15 tỷ kWh, đạt doanh thu 6.790 tỉ đồng. Cùng với quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ Nước Oa (tại xã Trà Tân) thì công trình thuỷ điện sông Tranh II bước đầu đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển cho hoạt động du lịch của Bắc Trà My.

            Những thành tựu to lớn mà huyện Bắc Trà My đạt được trong 50 năm qua, đã khẳng định ý chí thống nhất, khát vọng vươn lên mãnh liệt của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân huyện nhà. Cùng với tiềm năng, lợi thế về đất đai, về nguồn tài nguyên thiên nhiên, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo và sức mạnh nội sinh từ truyền thống cách mạng là động lực để Bắc Trà My quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tin liên quan

Người phát ngôn

Họ và tên:  Thái Hoàng Vũ
Chức vụ:  Chủ tịch UBND huyện
Số điện thoại:  0905515717
Email:  vuth1@quangnam.gov.vn