Khu lưu niệm Ban Tài mậu khu V là một trong những điểm di tích thuộc Quần thể Khu di tích lịch Trung Trung bộ - Nước Oa, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.
Trước sự phát triển nhanh chóng của lực lượng cách mạng ở miền Nam Trung Bộ; đồng thời để phục vụ cho việc tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, chống lại đế quốc Mỹ và tay sai, đòi hỏi cần có cơ quan tham mưu, giúp việc cho khu ủy. Đầu năm 1961 khu ủy V có quyết định thành lập các cơ quan, ban ngành ở khu trong đó có Ban Kinh tế – Tài chính gọi tắt là ban Kinh – Tài do đồng chí Nguyễn Húng làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Quang Lâm làm Phó ban.
Khu lưu niệm Ban Tài mậu khu V. Ảnh: Trần Công
Ban Kinh - Tài có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, cho Khu ủy khu V về lĩnh vực kinh tế - tài chính; nghiên cứu, xây dựng các chính sách cụ thể để phát triển mạng lưới hậu cần, phát triển sản xuất (tự cung, tự cấp) đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu cho các lực lượng cách mạng khu V, tiếp nhận chi vận của Trung ương, tổ chức chỉ đạo khai thác nguồn lực từ vùng giải phóng, vùng bị địch chiếm, thu mua vận chuyển lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cung cấp cho Khu ủy và các cơ quan thuộc Khu ủy V.
Đến cuối năm 1967, các bộ phận thuộc Ban Kinh - Tài tách ra thành lập Ban riêng như: Ban Sản xuất; Ban Lương thực; Ban Giao - Vận; Ban Tài mậu… Ban Tài mậu khu V lập ra các Tiểu ban như: Tài chính; Thương nghiệp; Ngân tín; Chi viện; Cung cấp và Văn phòng Ban. Nhiệm vụ Ban Tài mậu Khu V là tạo nguồn thu ngân sách, đảm bảo hậu cần phục vụ tốt cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Khu V, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Tài mậu khu V đã bám sát sự lãnh đạo của Khu ủy, tham mưu Khu ủy ban hành các chế độ, chính sách thu – chi, huy động nguồn lực tài chính để phục vụ cho chiến tranh. Ban Tài mậu đã phân công, bố trí cán bộ, chiến sĩ xuống tận cơ sở vùng giải phóng, các địa phương để vận động nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống; tuyên truyền và vận động nhân dân đóng góp dưới nhiều hình thức “lạc quyên, hiến tặng, đảm phụ nông nghiệp, đảm phụ công thương nghiệp, đảm phụ nuôi quân…” ở cả 3 vùng: giải phóng, tranh chấp và vùng địch tạm chiếm; mở các cửa khẩu, khai thác các nguồn hàng để thu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; tiếp nhận hàng viện trợ từ miền Bắc và các nước có tình cảm với Cách mạng miền Nam; “chế biến” từ đồng ngoại tệ (chủ yếu là đồng Đô la Mỹ) ra tiền đồng Sài Gòn … Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ phải phát rẫy, gùi cõng, làm nhà, đào hầm tránh bom, pháo... để phục vụ cho chiến trường.
Để hoàn thành nhiệm vụ được Khu ủy khu V giao trong điều kiện chiến tranh vô cùng khốc liệt, gian nan, hiểm nguy; cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu khu V đã không ngại khó khăn, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để tạo nguồn thu ngân sách, tiếp nhận, thu mua, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến. Đã có hơn 500 cán bộ Ban Tài mậu tham gia hoạt động, 122 người đã hy sinh và nhiều mất mát vô cùng to lớn góp phần cùng với quân dân Khu V và quân dân Miền Nam làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất nước nhà.
