Ấn tượng tết “Độc lập”
“Mở hàng” tổ chức đêm hội Văn hóa dân tộc vào tối ngày 1.9 vừa qua là hoạt động sôi động, giàu cảm xúc của đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng người Mường của xã Trà Giang. Theo ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Trà Giang, xã này hiện có khoảng 440 người trong số gần 3.500 nhân khẩu của toàn xã là người Mường. Quê gốc của họ ở tỉnh Hòa Bình. Hơn 30 năm di cư vào, lập làng sinh sống tại khu vực thôn 3, ven sông Trường, dưới chân núi Hòn Bà, cứ đến dịp Quốc khánh nước ta (2.9), dân làng Mường ở đây đều tổ chức ăn tết độc lập. Qua đó tỏ lòng biết ơn với Đảng, Bác Hồ mà tổ quốc được thống nhất, cả dân tộc Việt Nam được tự do, ấm no, hạnh phúc, phồn vinh. Trong phần Lễ, người Mường trang hoàng, sửa sang bàn thờ tổ Quốc, Bác Hồ, tổ tiên; sắm mâm cổ giỗ Bác Hồ và tưởng niệm trang nghiêm. Phần hội thì mở tiệc ăn mừng, chiêu đãi khách; tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao như múa cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ, múa sạp, ném còn…đúng theo bản sắc gốc truyền đời của họ” ông Bình chia sẻ.

Đông đảo du khách trải nghiệm múa sạp người Mường tại phố đi bộ trung tâm huyện Bắc Trà My
Trong khi đó, theo nghệ nhân người Mường gạo cội, Bùi Văn Ìn (63 tuổi), được huyện chọn khởi đầu tổ chức đêm hội văn hóa dân tộc phục vụ tại phố đi bộ là vinh dự lớn đối với bà con người Mường. “Chúng tôi huy động hơn 50 người đủ thế hệ cao niên, trung niên và thiếu niên tham gia khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, trình diễn, tái hiện toàn bộ phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao… xem như mở hội, ăn tết độc lập sớm hơn một ngày để phục vụ công chúng và du khách. Lần đầu trình diễn trước đám đông và có chút bỡ ngỡ nhưng ai nấy đều rất phấn khởi bởi nhờ cơ hội này mà bản sắc văn hóa của dân làng Mường được nhiều người biết đến hơn” ông Ìn hồ hởi. Bản thân ông Ìn cũng là nghệ nhân trình diễn “máu lửa” nhất, ông thể hiện đến 3 tiết mục. Ấn tượng nhất là độc tấu sáo trúc bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của cố Nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông thể hiện rất nhuần nhuyễn, truyền cảm trước thềm ngày Quốc khánh khiến nhiều người xúc động và cảm phục.
Sản phẩm du lịch mới
Khu trung tâm huyện Bắc Trà My hiện có không gian kiến trúc hài hòa, đan xen giữa yếu tố hiện đại, truyền thống các dân tộc sở tại và gần gũi với tự nhiên. Hai bờ sông Trường, đoạn chạy qua khu vực này được kết nối với 3 cây cầu. Riêng, cây cầu treo (cũ), minh chứng của một thời gian khó “cứu cánh” lưu thông cách trở cho đến khi địa phương có điều kiện xây dựng được những cây cầu bê tông kiên cố; lâu nay, được xem như đã “hoàn thành” sứ mệnh lịch sử và hầu như bị lãng quên, vắng người qua lại thì bất ngờ được lột xác “ngoạn mục” do được trùng tu thành cầu treo kính đầu tiên ở vùng núi Quảng Nam. Trải nghiệm các hoạt động đêm hội Văn hóa người Mường và tham quan cầu treo kính, ông Matt Kourevellis, một du khách đến từ nước Australia cho biết, ông quá bất ngờ, cách thức tổ chức các hoạt động tại đêm hội không cầu kỳ nhưng rất mới lạ và ấn tượng. “Tôi sẽ còn quay lại và giới thiệu cho đồng nghiệp, bạn bè cùng đến với đêm hội Văn hóa dân tộc ở Bắc Trà My. Địa phương có ý tưởng sáng tạo và làm tốt lắm, nên tổ chức thường xuyên hơn nhằm tạo thành một sản phẩm du lịch mới để gắn kết, thu hút du khách” ông Matt Kourevellis gợi mở.
