Bắc Trà My: những điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển năm 2023

Năm 2022, trong bối cảnh rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Trà My đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đưa kinh tế - xã hội của huyện nhà đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Huyện Bắc Trà My hiện đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 so với năm 2021 là 10,26%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm. Ước tổng giá trị sản xuất năm 2022 trên địa bàn huyện theo giá hiện hành đạt 2.927,1 tỷ đồng tăng 12.86% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, chiếm 50,82% tỉ trọng nền kinh tế. Công tác thu chi ngân sách đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, nhìn chung thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt dự toán giao, năm sau cao hơn năm trước, góp phần củng cố và cải thiện tình hình tài chính, ổn định kinh tế, làm tiền đề khai thác các nguồn lực khác.

Công trình cầu kính, phố đi bộ được hoàn thiện và đưa vào hoạt động từ tháng 8/2022

 

Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển quan trọng, 100% các xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm; các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, công trình thuỷ lợi; hệ thống trường học, trạm y tế, chợ nông thôn … được đầu tư xây dựng, giúp cho bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi rõ rệt; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, thu hút đầu tư nhiều dự án lớn; quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, tiếp tục thực hiện quy hoạch thị trấn Trà My trở thành đô thị loại IV. 

Với mục tiêu tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã được đổi mới cách tiếp cận, huy động được nhiều nguồn lực. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên huyện triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã, thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và từ các chương trình, dự án khác được giao tại địa phương để bảo đảm thực hiện hiệu quả.

 Bên cạnh đó, các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ cũng được UBND huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-19 được theo dõi, nắm bắt, kịp thời giải quyết. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, có 71 doanh nghiệp, Hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn, trong đó thành lập mới trong năm 2022 là 11 doanh nghiệp. Tổng số Hợp tác xã trên địa bàn huyện đang hoạt động tới thời điểm hiện tại là 26 Hợp tác xã, trong đó tăng mới trong năm 2022 là 8 Hợp tác xã. Toàn huyện có 11 sản phẩm của 10 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt 3 sao và 01 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Các chủ thể OCOP thường xuyên tham gia triển lãm trưng bày tại các hội chợ, gian hàng trên địa bàn tỉnh và trong nước. Hiện tại, có sản phẩm đã thâm nhập vào chuỗi cung ứng hệ thống siêu thị Co.op mart. Hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, giá trị thương hiệu Quế Trà My được quảng bá, nâng tầm với hơn 50 sản phẩm từ quế và phát triển ra thị trường thế giới như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan. Đây là tín hiệu khả quan, khép lại một thời gian dài có nhiều biến động do tác động của dịch COVID-19, mở ra sự kỳ vọng nền kinh tế huyện nhà sẽ tiếp tục vượt khó và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.