Đầu tư đồng bộ
CCHC là một trong 3 nhiệm vụ đột phá, chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Trà My, nhiệm kỳ 2020 –2025 với quyết tâm chính trị cao để toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện. Riêng năm 2022, huyện đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm CCHC với 31 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Mục tiêu, đẩy mạnh CCHC theo hướng toàn diện, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thước đo chất lượng phục vụ… Huyện Bắc Trà My tranh thủ các nguồn lực, đầu tư gần 9,7 tỷ đồng trang bị thiết bị, nâng cấp hạ tầng ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) cho các cơ quan, đơn vị địa phương. Đồng thời tổ chức cho trên 150 lượt cán bộ bộ các cấp tham gia đào tạo, tập huấn về CCHC, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp thực thi công vụ CCHC, chuyển đổi số.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Bắc Trà My được trang bị đầy đủ trang thiết bị và bố trí nhân lực đảm bảo tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân
Nhờ đó, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và cấp xã, phương tiện, thiết bị thiết yếu như máy vi tính kết nối mạng, thiết bị phụ trợ như máy in, scan, photocopy, camera giám sát… được trang bị căn bản đầy đủ với nguồn nhân lực thường trực số lượng, chất lượng chuyên môn đảm bảo giải quyết TTHC trên các lĩnh vực. Cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đều được cung ứng tất cả các TTHC theo quy định của UBND tỉnh. Kết thúc năm 2022, 31 nhiệm vụ, giải pháp CCHC được thực hiện về đích toàn bộ. Gần 16.000 hồ sơ các loại, được tiếp nhận trực tuyến, trực tiếp và thông qua dịch vụ Bưu chính công ích được giải quyết, sớm, đúng hạn ở cấp huyện đạt 91%; cấp xã, thị trấn đạt 96,7%. Đối với các cơ quan, đơn vị chuyên môn, việc đầu tư ứng dụng CNTT được huyện khuyến khích và tiếp sức để trang bị phục vụ công tác. Mỗi phòng, ban, ngành tại huyện chủ động nghiên cứu các phần mềm CNTT theo lĩnh vực như quản lý chuyên ngành, quản lý tài sản, lưu trữ hồ sơ cán bộ, kế toán… áp dụng xử lý công việc trực tuyến linh hoạt, hiệu quả.
Trung tâm Điều hành thông minh Bắc Trà My được tăng cường các tiện ích giám sát, tương tác, xử lý trực tuyến phục vụ quản lý điều hành rất tiện lợi
Trung tâm điều hành thông minh IOC Bắc Trà My tiếp tục được bổ sung, tăng cường phát huy các tính năng số với nhiều phần mềm tích hợp giám sát an ninh, giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công, thiên tai… qua thiết bị camera để hỗ trợ xử lý trực tuyến. Tổ công nghệ cộng đồng được thành lập ở tất cả 46/46 thôn, tổ dân phố trên toàn huyện, đưa ứng dụng Bắc Trà My Smart trên nền tảng di động với nhiều tiện ích, kết nối, tương tác giữa người dân với chính quyền; tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ảnh, kiến nghị của người dân trên nền tảng số rất tiện lợi.
Bứt phá
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, là địa phương vùng cao còn khó khăn, nhưng huyện Bắc Trà My đầu tư trọng điểm, đồng bộ về nhân, vật lực trong cải CCHC và phát huy hiệu quả thiết thực. Ba năm qua, Bắc Trà My luôn được xếp ở vị trí đứng đầu ở khu vực miền núi và nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh về chỉ số CCHC. Đặc biệt, tại Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và công bố chỉ số CCHC năm 2022, huyện Bắc Trà My có sự “bứt phá”, vượt lên trên cả khu vực đồng bằng, thành thị và giữ vị trí quán quân đối với các huyện, thị xã, thành phố. Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, vị trí quán quân về chỉ số CCHC trong năm 2022 đương nhiên tạo động lực tinh thần rất lớn cho địa phương. Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các xã vùng cao ở Bắc Trà My như Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka… vẫn còn hạn chế. Bởi hạ tầng, dịch vụ viễn thông ở những vùng này chưa được cung ứng phổ biến và nhiều địa bàn chưa có dịch vụ. “UBND tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mạng di dộng, internet băng thông rộng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời tiếp sức, hỗ trợ người dân về thiết bị công nghệ thông minh để tiếp cận dịch vụ CNTT công ích, CCHC, góp phần nâng cao dân trí” ông Vũ kiến nghị.
Ông Thái Hoàng Vũ còn cho biết thêm, trong năm 2023, huyện tiếp tục trang bị hạ tầng, thiết bị ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Dự kiến huyện huy động các nguồn lực với kinh phí đầu tư khoảng 7 tỷ đồng. “Mục tiêu vẫn là phục vụ CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; quyết liệt giảm thiểu tỷ lệ giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai, lâu nay khá nhạy cảm và đôi lúc còn tồn đọng trễ hạn” ông Vũ quả quyết./.