Xã Trà Giang phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 60 năm qua, Ngày “Tết trồng cây” không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc góp phần bảo vệ tài nguyên rừng mà còn là sự khởi đầu cho công tác trồng cây gây rừng hằng năm của các cấp các ngành, các ngành và các địa phương. Việc trồng cây vào mùa xuân ngày càng thêm ý nghĩa khi UBND huyện Bắc Trà My có chủ trương trồng rừng gỗ lớn gắn với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.

Trà Giang có diện tích rừng là 2.994,5 ha, trong đó diện tích rừng sản xuất là  2.674,7 ha, rừng phòng hộ là 319,8 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn xã đạt trên 74.3%. Đa số những cánh rừng được người dân chủ yếu trồng keo, tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định. 

Phát động trồng cây gây rừng tại khu vực Bãi Cháy, xã Trà Giang

 

Nhận thức lợi ích thiết thực của việc trồng cây xanh, nhiều năm qua, UBND xã Trà Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các thôn dân cư trên địa bàn tích cực trồng cây lấy bóng mát trên các trục đường liên thôn, liên xã, cơ quan, công sở; cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả tại các trang trại… 

Thực hiện Kế hoạch trồng cây hàng năm của UBND xã Trà Giang, cấp ủy đảng, chính quyền và các Hội, đoàn thể cùng với nhân dân xã nhà đã tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, góp phần xây dựng địa phương phát triển toàn diện, đảm bảo cảnh quang, môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ 2021 đến nay, xã Trà Giang đã trồng được hơn 16.000 cây xanh các loại chủ yếu là cây mít, cây quế, cây lát hoa, cây hông và cây dỗi hạt… tại các khu vực như làng Mường, dọc khu vực đường lên thác 5 tầng và tại Bãi Cháy… Đây là khởi đầu cho hành động bảo vệ rừng, đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trồng 20 ha rừng theo Đề án phát triển rừng đầu nguồn của huyện Bắc Trà My, Chương trình tổng thể bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Để thể hiện sự thống nhất cao trong ý chí và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; UBND cùng với Mặt trận và các Hội đoàn thể xã Trà Giang đã thành lập mô hình “Ươm giống cây lát hoa, cây hông và cây dỗi lấy hạt”, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng. Tổ chức trồng cây theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế. Tiến hành chăm sóc các cây đã được trồng, bảo đảm "trồng cây nào tốt cây ấy". 

Nhiều vườn cây lát hoa của các hộ gia đình người Mường ở Trà Giang nay đã có thể khai thác

 

Cùng chung tay cùng với chính quyền địa phương, tại làng Mường, thôn 3, xã Trà Giang có nhiều hộ gia đình đã trồng khôi phục các loại cây như lát hoa, dỗi hạt, hông… để bảo vệ rừng. Cụ thể như hộ ông Bùi Văn Tới đã dịch chuyển cơ cấu cây trồng từ năm 2001 bằng việc trồng hơn 4000 cây lát hoa tại vườn nhà, đến nay đang vào kỳ thu hoạch. Lát hoa là loại cây có giá trị kinh tế cao, thân cây cứng cáp, chắc chắn với bộ rễ bám sâu nên phù hợp để làm cây rừng phòng hộ; có thể trồng để làm đai che chắn cho các vườn cây ăn quả; phòng hộ cho các nông trại, trang trại; gốc cây lát hoa có bạnh lớn nên khả năng chịu gió rất tốt; là lựa chọn lý tưởng để trồng ở những địa bàn thường xuyên có gió bão; rễ cây bám chặt, giữ đất và giữ mạch nước ngầm rất tốt.

Việc trồng cây xanh ở Trà Giang đã đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cuộc sống của nhân dân; góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, xóa nghèo, nâng cao chất lượng môi trường sống. Thời gian tới, xã Trà Giang tiếp tục phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng, đồng thời đẩy mạnh trồng cây và “xanh hóa” các bãi thiếc, bãi kẽm theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn huyện.

 

Tin liên quan

Người phát ngôn

Họ và tên:  Thái Hoàng Vũ
Chức vụ:  Chủ tịch UBND huyện
Số điện thoại:  0905515717
Email:  vuth1@quangnam.gov.vn