Bắc Trà My chủ động ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro

Trà My “hội tụ” tất cả các loại hình thiên tai ở vùng nhiệt đới. Trước thềm mùa mưa lũ năm 2023, huyện Bắc Trà My ban hành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro để chủ động thực hiện.

Dân quân huyện Bắc Trà My thi công đắp sa bàn chuẩn bị cho diễn tập PCTT&TKCN trong cuối tháng 8 sắp tới.

        Thiên tai khó lường

        Trước khi về nhận công tác tại Trạm Khí tượng ở Bắc Trà My, ông Đào Đình Thám, có trên 20 năm trong nghề quan trắc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai từ đồng bằng đến vùng núi cao và hải đảo như thành phố Quảng Ngãi, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, Hội An (Quảng Nam). Sau gần 5 năm công tác ở Bắc Trà My, ông Thám đúc kết, thời tiết và thiên tai ở khu vực Trà My “hội tụ” tất cả các hiện tượng, loại hình của vùng khí hậu nhiệt đới. Gần đây, những hiện tượng thời tiết cực đoan nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, gây cháy rừng, dông sét, gió lốc… mùa khô; rét lạnh, mưa lớn dai dẳng, bão lũ… sạt đất, lở núi vào mùa mưa xuất hiện với tầng suất khó lường, không dễ để phân tích, nhận định, đưa ra các dự báo chuẩn xác, cảnh báo rủi ro thiên tai. Cạnh đó, xây dựng, tích nước thuỷ điện Sông Tranh 2 trong vùng có địa chất đứt gãy, vùng Trà My còn xảy ra động đất kích thích…

       Thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, từ năm 1997 đến nay, các loại hình thiên tai đã làm 34 người dân thương vong, hơn 2.000 ngôi nhà của dân bị sập cùng hàng ngàn công trình hạ tầng, trụ sở bị hư hỏng. Riêng các năm 2009 và 2017, các vụ sạt lở núi tại các xã Trà Giác, Trà Giang và thị trấn Trà My vùi lấp 26 người chết. Xuất hiện từ năm 2012 sau khi tích nước thuỷ điện Sông Tranh 2, đến nay, tại vùng Trà My đã ghi nhận 171 trận động đất. Trong số đó, có 53 trận có cường độ từ 4 độ Richter trở lên, gây nứt nẻ nhà dân, công trình kiến trúc, tạo ra tâm lý hoan mang cho người dân…

       Tham vấn từ ngành khí tượng thuỷ văn Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Vương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, năm 2023 khả năng cao thời tiết vùng Trà My chịu ảnh hưởng của hiện tượng Elnino từ giữa mùa hè duy trì đến năm 2024. Nắng nóng gay gắt hơn với nền nhiệt độ có thể tăng trung bình từ 0,5 - 10C; đồng thời, lượng mưa bình quân có thể bị thâm hụt song lại tiềm ẩn xảy ra thiên tai dị thường như cháy rừng mùa khô và mưa, lũ lớn cục bộ vào mùa đông. “Ngay từ đầu năm 2023, ngành nông nghiệp huyện tập trung tham mưu xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro tại địa bàn huyện. Trước thềm mùa cao điểm xảy ra thiên tai năm 2023, phương án được ban hành thực hiện. Đây là tiền đề xử trí ứng phó khoa học, có sự suy tính chủ động, tránh những lúng túng, bị động khi gặp tình huống thiên tai” ông Vương nói.

       Ứng phó theo cấp độ

       Theo ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để ứng xử với các tình huống thời tiết cực đoan, kèm theo ẩn hoạ thiên tai, phương án nhận định hiện trạng, thế mạnh, điểm yếu, thách thức… về các yếu tố khách quan, chủ quan như điều kiện tự nhiên, hạ tầng, dân sinh, dân trí, các nguồn lực. Bản đồ các điểm xung yếu xảy ra sạt núi, lũ quét, ngập lụt; các điểm cao, khu sơ tán an toàn… đều được huyện tính đến và cụ thể hoá trong phương án. Tương ứng với các mốc thời gian, thời điểm, địa bàn khu vực còn có những dự báo tình hình thời tiết, thiên tai, cấp độ rủi ro có thể xảy ra; đối tượng bị tác động, huy động các nguồn lực, lực lượng ứng phó, xử trí… phù hợp. “Thực thi phương án, các lực lượng đều nắm chắc địa bàn, thực lực, kết hợp với kênh thông tin dự báo phổ biến, mỗi thời điểm xuất hiện tính huống thì được vận dụng để nhận định cấp độ rủi ro thiên tai. Từ đó, kịch bản ứng phó được kích hoạt. Những yếu tố bất ngờ, bị động được loại trừ nên hiệu quả thực thi hạn chế thấp nhất những thiệt hại” ông Vũ chia sẻ. 

Khu vực sạt núi đầu tháng 11.2017 tại thôn 2, xã Trà Giang san phẳng hàng chục nhà dân và làm một người mất tích sẽ là nơi diễn tập thực binh PCTT&TKCN huyện Bắc Trà My trong cuối tháng 8 tới.

       Thượng tá Trần Cao Thái, Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My cho hay, từ phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, các lực lượng cơ sở luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng và chủ động “bốn tại chỗ” (chỉ huy; lực lượng; phương tiện, vật tư; hậu cần) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả. “Cuối tháng 8 sắp tới, huyện sẽ tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn quy mô cấp huyện. Hiện trường diễn tập thực binh được bố trí ngay tại khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở núi, thuộc thôn 2 xã Trà Giang với tình huống đặt ra, công tác hiệp đồng cứu hộ rất sát thực tế. Đây là đợt tập dợt, kiểm nghiệm hữu ích trong triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro tại địa bàn trước thềm mùa mưa lũ, thiên tai năm nay” ông Thái nói.

Tin liên quan

Người phát ngôn

Họ và tên:  Thái Hoàng Vũ
Chức vụ:  Chủ tịch UBND huyện
Số điện thoại:  0905515717
Email:  vuth1@quangnam.gov.vn