Đầu tư trang thiết bị cho điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin
Tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi
Thời gian qua, UBND huyện đã áp dụng nhiều hình thức thông tin và tuyên truyền đa dạng, phong phú, như qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các cuộc họp, video, phóng sự đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội... Nhờ vậy, thông tin đã đến tay người dân nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài công tác thông tin tuyên truyền, trong giai đoạn 2022-2025, UBND huyện Bắc Trà My đã tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền tại 13 xã, thị trấn, với sự tham gia của gần 400 cán bộ, công chức, Bí thư thôn, trưởng thôn, các hội đoàn thể thôn và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. Các phóng sự truyền thông gắn với chuyển đổi số cũng được sản xuất, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin chính thống. Đồng thời, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được giới thiệu, khuyến khích tinh thần vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chương trình mục tiêu Quốc gia tại địa phương.
Đầu tư, nâng cấp hạ tầng thông tin cơ sở
Hiện nay, toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn đều có đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Thông qua hệ thống này, người dân có thể kịp thời tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như các thông tin liên quan đến giảm nghèo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống tội phạm…
UBND huyện đã phân bổ kinh phí để đầu tư 46 hệ thống mạng wifi công cộng tại các Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trong toàn huyện. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã triển khai 03 điểm wifi miễn phí tại các khu vực như Quảng trường văn hóa huyện, Trung tâm trưng bày huyện, khu du lịch Làng Mường nhằm phục vụ miễn phí cho người dân truy cập thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến và quảng bá du lịch. 10 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin. 12 điểm bưu điện văn hóa tại các xã, thị trấn và một bưu cục cấp huyện cũng được thiết lập để cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích cho người dân.
Hiện tại, tất cả các trạm BTS trong huyện đã được quang hóa, nâng cao tốc độ và chất lượng đường truyền, với hơn 65 trạm BTS và vùng phủ sóng trên 95% ở các khu dân cư. Hạ tầng Internet băng thông rộng cố định đã được triển khai tới 100% các trung tâm xã, thị trấn, sẵn sàng phục vụ các hộ gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ Internet cáp quang.
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ, UBND huyện cũng chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực cho công tác thông tin – truyền thông, với đội ngũ cán bộ đài truyền thanh cơ sở và cán bộ Văn hóa – Thông tin từ huyện đến các xã, thị trấn, đủ năng lực thực hiện công tác tuyên truyền. Huyện cũng đã thành lập 46 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 46 thôn, tổ dân phố, với hơn 255 thành viên, nhằm đưa nền tảng số và kỹ năng số đến từng người dân, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội.
Giảm nghèo về thông tin gắn với chuyển đổi số
Để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin một cách bền vững, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện linh hoạt và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong việc giảm nghèo thông tin gắn với chuyển đổi số. Đồng thời, huyện tập trung nâng cấp hạ tầng thông tin, lắp đặt các trạm phát sóng, xóa điểm lõm sóng và duy trì hoạt động của các trạm thu phát sóng di động để bảo đảm nhu cầu liên lạc của người dân.
Huyện cũng chú trọng phổ cập kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, để họ có thể ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống. Các ứng dụng điện tử, bảo hiểm xã hội, dịch vụ công trực tuyến được khuyến khích, và các nền tảng thông tin như cổng/trang điện tử, đài truyền thanh, mạng xã hội Facebook và nhóm Zalo cộng đồng đã giúp người dân tiếp cận chính sách giảm nghèo, học hỏi kinh nghiệm và giải pháp thoát nghèo.
Ngoài ra, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình và kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất và buôn bán, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giảm nghèo bền vững.
Giải pháp thực hiện tốt công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin:
Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững.
Nâng cấp, mở rộng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông để đảm bảo thông tin đến tất cả các khu vực dân cư.
Tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khai thác các nền tảng mạng xã hội để nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông.
Khuyến khích người dân chủ động tiếp cận các dịch vụ, thông tin do chính quyền cung cấp, bao gồm cài đặt các tiện ích số và tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.